Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

[Xã hội-Đại Đoàn Kết] - Xứ đạo vẳng tiếng chuông ngân

Nằm hai bên bờ con sông Đáy và cùng nằm dọc miền duyên hải ven biển Bắc Bộ, hai tỉnh Nam Định, Ninh Bình là những địa phương có rất đông đồng bào Công giáo. Nơi đây có hai giáo phận lớn là Bùi Chu (Nam Định) và Phát Diệm (Ninh Bình). Với trên nửa triệu giáo dân, nhiều xã, thôn, làng ven biển nơi đây gần như toàn tòng Công giáo...



Nhà thờ xứ Quần Chiêm, xã Chính Tâm, huyện Kim Sơn (Ninh Bình)
Đồng hành mở đất
Bùi Chu, Phát Diệm là hai giáo phận được cho là đã "đón tin mừng” từ rất sớm. Theo sách "Khâm định Việt sử thông giám cương mục” của Quốc sử quán triều Nguyễn, cách nay 5 thế kỷ vào năm 1555 đã có người Tây Dương là Y-nê-khu đến xã Ninh Cường, xã Quần Anh, huyện Nam Chân và xã Trà Lũ, huyện Giao Thủy (nay thuộc địa bàn giáo phận Bùi Chu-Nam Định) truyền giáo đạo Gia Tô, được giáo sử Công giáo đánh dấu là hoạt động truyền giáo đầu tiên ở miền Bắc nước ta.
Dù có nhiều khúc quanh nhưng có thể nói lịch sử hình thành, phát triển cộng đồng Công giáo nơi đây luôn gắn liền với lịch sử mở đất của cư dân địa phương. Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy (Nam Định) hay Kim Sơn (Ninh Bình), Tiền Hải (Thái Bình)... đều là những vùng đất mới được hình thành qua công cuộc quai đê, lấn biển, gắn liền với tên tuổi, công lao của Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ. Trong công cuộc gian nan này, biết bao thế hệ, cả người bên giáo lẫn người bên lương luôn đoàn kết, chung lưng đấu cật, đổ mồ hôi, công sức đắp đê, lấn biển, biến những bãi sình hoang hóa, lau sậy thành xóm, thành làng, thành xứ đạo. Người ta tính được rằng, trong 200 năm hình thành, phát triển, cư dân lương, giáo ở huyện Kim Sơn đã hợp sức, tiến hành tới 6 lần quai đê, lấn biển. Thành quả mang lại là diện tích huyện Kim Sơn ngày nay đã lớn gấp 3 lần so với ngày đầu thành lập.
Lịch sử cũng ghi nhận, hàng trăm năm qua cư dân nơi đây trong đó có rất đông đồng bào Công giáo luôn chung sống hòa thuận, cùng nhau khai thác những thế mạnh của vùng đất mới ven biển để phục vụ đời sống dân sinh. Ngoài trồng lúa, làm muối, nghề thủ công, chưa khi nào hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản lại phát triển tại các xứ họ đạo ven biển Nam Định, Ninh Bình như hiện nay, giúp nhiều gia đình giáo dân trở nên giàu có...
Hình ảnh thường thấy ở các gia đình giáo dân ở Bùi Chu hay Phát Diệm là ngày ngày chồng ra khơi đánh cá, vợ ở nhà đan lưới, làm muối, dệt chiếu, chăm sóc đàn con. Ngày lễ họ cùng nhau đến nhà thờ bày tỏ lòng kính Chúa. Nhịp sống ấy đã đều đều quay vòng bao năm nay, rất khó cho sự xảo trá, ẩn náu. Quá trình mở đất, lập làng, cộng đồng Công giáo nơi đây còn sản sinh, lưu giữ nhiều sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc. Có dịp tham gia Ngày hội cách mạng do huyện Hải Hậu (Nam Định) tổ chức hàng năm vào dịp Quốc khánh 2-9, nhiều người rất thú vị khi được thưởng thức nghệ thuật đi cà kheo, thổi kèn đồng, đánh trống cà rùng... do các cộng đồng Công giáo miền biển nơi đây trình diễn.
Hưởng ứng tuyên truyền, vận động của MTTQ các cấp, thời gian qua nhiều hộ dân, trong đó có nhiều gia đình giáo dân đã tích cực tham gia dồn điền đổi thửa, đóng góp tiền của, ngày công, hiến cả đất ở cho làng, cho xã, cho xứ đạo xây dựng các công trình hạ tầng, dân sinh công cộng, góp phần quan trọng làm nên thành quả xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Đến các giáo xứ ven biển thuộc các giáo phận Bùi Chu, Phát Diệm ngày nay, rất dễ nhận ra nét đặc trưng xóm làng vuông vức, đường làng được thiết kế theo hình bàn cờ, kết nối, liên thông, đứng ở đầu dong có thể nhìn thông đến cuối mà không bị cản tầm mắt. Với lòng mộ đạo, được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, những năm gần đây giáo dân Bùi Chu, Phát Diệm còn đóng góp nhiều tiền của, công sức tu bổ, tôn tạo, xây mới các công trình thờ tự, trong đó nhiều ngôi thánh đường đã được tu sửa, xây mới nguy nga, tráng lệ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đời sống đức tin của cộng đồng Công giáo nơi đây, đồng thời tô điểm thêm nét đẹp vốn có của các làng quê, xứ đạo.
Để bảo vệ sự bình yên cho những làng quê, xứ đạo ven biển Nam Định, Ninh Bình, những năm qua nhà nước tiếp tục đầu tư một lượng lớn tiền của để kiên cố hệ thống đê biển, đê sông nơi đây. Dự án xây dựng tuyến đường ven biển, kết nối các địa phương ven biển của các tỉnh miền Bắc cũng đang được nhà nước xúc tiến đầu tư. Trong đó những tuyến đường chính nối trung tâm tỉnh lỵ Nam Định, Ninh Bình với các huyện ven biển đều đã được mở rộng, nâng cấp. Theo quy hoạch đã được phê duyệt của các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, trong tương lai gần nơi đây sẽ hình thành thêm nhiều đô thị mới, trong đó các thị trấn ven biển như Phát Diệm, Thịnh Long, Quất Lâm... sẽ được nâng cấp lên thành thị xã, mở ra cho những làng quê, xứ đạo ven biển Bùi Chu, Phát Diệm nhiều vận hội phát triển.
Vì sự "bình an dưới thế”
Nhiều lần được theo các vị lãnh đạo ở Trung ương, địa phương tới thăm, chúc mừng Tòa giám mục Bùi Chu và Tòa giám mục Phát Diệm vào những dịp lễ trọng, chúng tôi cảm nhận mối quan hệ giữa chính quyền, Mặt trận và các vị chức sắc Công giáo nơi đây rất thân thiết.
Còn nhớ, lúc sinh thời dù chân đau, đi lại có phần khó khăn nhưng vào những dịp như vậy bao giờ Giám mục Giáo phận Bùi Chu Hoàng Văn Tiệm (Giám mục được Chúa gọi về năm ngoái) cũng hồ hởi ra tận sân Tòa giám mục đón khách. Và lần nào cũng vậy, Giám mục luôn dành thời gian chia sẻ, tâm sự chuyện đạo, chuyện đời rất đỗi chân tình, ấm áp. Linh mục Nguyễn Đức Hiệp mới đây cũng đã về với Chúa. Sinh thời Linh mục có một thời gian dài đảm nhiệm chức danh Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết công giáo tỉnh Nam Định và từng là đại biểu Quốc hội của tỉnh.
Nhớ đến ông, người viết bài lại nhớ đến nụ cười sảng khoái, hồn hậu của Linh mục trong lần đón ông Nguyễn Văn Tuấn-Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định tới thăm. Ông Tuấn cũng vậy, vừa gặp vị Linh mục đã cười nói hỷ hả, thân mật. Hỏi ra mới biết, Linh mục và đương kim Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đều là người quê huyện Hải Hậu. Khi trưởng thành, người lo việc đời, người lo việc đạo. Mà việc đạo hay việc đời suy cho cùng cũng chỉ có một mục đích cao nhất là làm cho cuộc sống của con người ngày một tốt đẹp, hạnh phúc hơn. Cùng chung mục đích nhân sinh cao cả ấy, sự thân tình của các ông cũng là điều dễ hiểu. Đó là chưa kể những người tưởng như chỉ chuyên lo việc đạo là các linh mục cũng đâu có quên việc đời. Hầu hết các vị linh mục ở các giáo phận Bùi Chu, Phát Diệm đều đã và đang có nhiều việc làm thiết thực góp phần chăm lo cho đời sống dân sinh, dân trí ở nơi mình làm mục vụ. "Tốt đạo, đẹp đời” đã trở thành triết lý nhân sinh của người Công giáo nơi đây.
Dịp lễ Giáng sinh năm 2013, có dịp theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim cùng đoàn cán bộ Mặt trận Trung ương tới thăm Giám mục Nguyễn Năng tại Tòa giám mục Phát Diệm, chúng tôi cảm nhận rõ sự gần gũi, thân mật ở ông. Dáng người, gương mặt thanh thoát, cử chỉ nho nhã với cái bắt tay ấm áp. Nếu không có cái vòng tròn trắng trên cổ áo dễ tưởng Giám mục là giáo sư của một trường đại học hay một viện nghiên cứu nào đó.
Trò chuyện với Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vũ Trọng Kim, Giám mục rất tâm đắc với các phong trào thi đua yêu nước do MTTQ Việt Nam phát động. Giám mục chia sẻ: hòa bình, đoàn kết, bình an là thông điệp ông thường chuyển tải, gửi gắm tới giáo dân trong giáo phận. Các phong trào, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam phát động, tuyên truyền, vận động nhân dân cả nước thực hiện lâu nay cũng không nằm ngoài mục đích đó. Chính vì vậy ông luôn tuyên truyền, vận động giáo dân hưởng ứng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, chung sức xây dựng cuộc sống hòa bình, đoàn kết, bình an trên khắp giáo phận. Theo Giám mục Nguyễn Năng, bình an, nhất là bình an trong tâm tưởng mới là giá trị lớn nhất con người nên theo đuổi.
Trần Duy Hưng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét