Ngày 7/4, cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh (PC46) cho biết vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Lê Thị Phương Lan – nguyên Kế toán trưởng Công ty Ricco Việt Nam và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú (tại ngoại) đối với các bị can: Vũ Đỗ Lê Huân – nhân viên thu mua vật tư Công ty Ricco Việt Nam; Vũ Thị Hạnh Dung – chủ cửa hàng Phán Kỳ; Trần Thị Diệu Uyên – chủ cửa hàng dụng cụ kỹ thuật và Vũ Viết Đại - chủ cửa hàng Đại Cường cùng tội “mua bán trái phép hóa đơn”.
Công ty Ricco Việt Nam là DN có 100% vốn nước ngoài. Người đại diện pháp luật là ông Michio Mochizuki (quốc tịch Nhật Bản) và bà Mai Thị Tú Anh (SN 1980, HKTT phường 11, quận Phú Nhuận) làm Tổng Giám đốc thay ông Tomoya Suda (SN 1973, quốc tịch Nhật Bản) kể từ ngày 1/2/2012 đến nay. Trong thời gian điều hành hoạt động kinh doanh, Công ty Ricco Việt Nam, từ tháng 4/2009 đến tháng 11/2012, ông Tomoya Suda đã chỉ đạo nhân viên của công ty là Lê Thị Phương Lan lập hồ sơ rút chi số tiền hơn 5,8 tỷ đồng cho ông Tomoya Suda để xài cá nhân. Thực hiện chỉ đạo của ông Tomoya Suda, từ tháng 4/2009 đến tháng 11-2012, Lan đã lập tổng cộng 43 phiếu chi, rút tiền mặt của công ty hơn 5,8 tỷ đồng đưa cho ông Tomoya Suda nhưng không yêu cầu ký nhận trên chứng từ. Sau đó, Lan chỉ đạo Vũ Đỗ Lê Huân – nhân viên thu mua vật tư và Đoàn Phạm Bích Ngọc – nhân viên phiên dịch tiếng Nhật của Công ty Ricco Việt Nam đi mua tổng cộng 614 tờ hóa đơn bán hàng thông thường và hóa đơn GTGT ghi khống nội dung, trị giá để quyết toán số tiền hơn 5,8 tỷ đồng đã rút ra. Trong số các đơn vị xuất hóa đơn khống cho Công ty Ricco Việt Nam thì cửa hàng Phán Kỳ (phường Linh Đông, quận Thủ Đức) do Vũ Thị Hạnh Dung (SN 1971) làm chủ, xuất bán đến 200 tờ hóa đơn bán hàng thông thường, nội dung ghi khống là bán vật tư, máy khoan, dây cuaro, bản lề… với tổng giá trị ghi khống hơn 3,3 tỷ đồng. Khi bán số hóa đơn này, Dung được hưởng hơn 330 triệu đồng (tương đương 10% tổng doanh số ghi khống). Ngoài ra, Vũ Thị Hạnh Dung còn bàn bạc với Vũ Viết Đại (SN 1973, NKTT phường Linh Đông, quận Thủ Đức), chủ cửa hàng Đại Cường (huyện Thuận An, Bình Dương) để mua giúp cho Công ty Ricco Việt Nam 10 tờ hóa đơn bán hàng thông thường ghi khống nội dung trị giá hơn 170 triệu đồng. Cửa hàng dụng cụ kỹ thuật (số 85 Ký Con, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) do Trần Thị Diệu Uyên (SN 1964, NKTT phường 21, quận Bình Thạnh) làm chủ cũng xuất bán cho Công ty Ricco Việt Nam 111 tờ hóa đơn bán hàng thông thường, với tổng doanh số xuất khống hơn 550 triệu đồng (tiền bán hóa đơn được 4% tổng doanh số); Công ty Vương Gia Phát, Công ty TNHH Thương mại Hồng Vương (KDC Bình Hưng, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) do Vương Gia Phát làm Giám đốc xuất bán 7 tờ hóa đơn với tổng doanh số 117 triệu (tiền bán hóa đơn được 3% trên tổng doanh số). Tại cơ quan điều tra, Tomoya Suda khai nhận: “Trong thời gian làm Tổng Giám đốc Công ty Ricco Việt Nam, Tomoya Suda lấy tiền mặt của công ty đi tiếp khách và không nhớ đã lấy bao nhiêu tiền của công ty”. Trong khi tại Công ty Ricco Việt Nam, không có bất kỳ quy định nào về việc cho phép hay không cho phép Tổng Giám đốc lấy tiền tiếp khách hoặc định mức chi phí tiếp khách. Kết quả điều tra ban đầu của cơ quan CSĐT cho thấy, Tomoya Suda đã ký báo cáo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp và báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Rico năm 2009 và 2010. Trong báo cáo quyết toán có các hóa đơn ghi khống nội dung hạch toán vào chi phí giá vốn hàng bán của Công ty Ricco Việt Nam và làm giảm doanh thu, dẫn đến làm giảm số tiền thuế phải nộp cho ngân sách Nhà nước. Hành vi này có dấu hiệu của tội “trốn thuế”, cơ quan điều tra tiếp tục điều tra, xác minh củng cố chứng cứ để xử lý theo quy định |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét